
Everything Everywhere All at Once – khi tôi là con gái của mẹ tôi [review]
Tôi là con gái của mẹ tôi và là con của gia đình
“Cuộc chiến đa vũ trụ” không chỉ là một thông điệp về lòng tốt và tình yêu.
Trọng tâm thực sự của nó là bản chất phức tạp của mối quan hệ mẹ con căng thẳng bởi khoảng cách thời gian, thế hệ và sự dịch chuyển của những rào cản văn hóa.
Trong phim, Evelyn Wang, một người mẹ và cũng là trụ cột của gia đình, phải cố gắng kiếm sống ở một đất nước vẫn rất xa lạ đối với bà, mặc dù nhiều năm đã trôi qua kể từ ngày bà rời Trung Quốc đến Mỹ cùng với chồng mình, Waymond Wang – một người chồng tốt nhưng lại yếu đuối và không có tiếng nói trong gia đình.
Liệu cha mẹ có cần hy sinh những điều có ý nghĩa trong cuộc đấu tranh của họ để mang lại cho con cái một cuộc sống “tốt hơn”? Con cái làm thế nào mới khiến cha mẹ vui lòng?
Evelyn và Joy xung đột với nhau không phải vì họ ghét nhau mà vì họ đã xa nhau.
Người này không còn có thể nghe thấy người kia qua cây cầu dài trải nghiệm của họ. Căng thẳng và hiểu lầm liên tục (và thiếu mong muốn hiểu ) đã che khuất tình yêu của họ dành cho nhau. Cuối cùng, cả hai bị cô lập sau nhiều năm kìm nén cảm xúc.
Khi nhìn vào mối quan hệ giữa Evelyn và con gái bà, Joy, bạn sẽ thấy định nghĩa “yêu thương” của hai nhân vật này rất khác nhau.
Đối với Evelyn, tình yêu có nghĩa là bảo vệ con gái mình khỏi những lựa chọn sai lầm vài mọi điều xấu khác.
Nhưng đối với Joy, cách yêu thương con cái của Evelyn đồng nghĩa với việc cô phải sống mà không có tự do, và những quyết định của cô đều không nhận được sự đồng thuận của mẹ. Đối với Joy, tình yêu có nghĩa là sự chấp nhận – một điều mà cô luôn cố gắng kiếm tìm.

Hệ thống gia đình ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào
Evelyn cố gắng bảo vệ Joy vì lo lắng không muốn con phạm sai lầm, và cũng vì bà muốn trở thành một người mẹ tốt hơn. Nhưng tình yêu này đối với Joy là một cái bẫy khiến cô mất quyền tự do cá nhân của mình. Nỗi sợ hãi về những điều không may xảy ra trong cuộc sống và mong muốn điều tốt nhất cho con gái đã khiến Evelyn nhận thấy mình phải quyết định thay cho con trong nhiều mặt cuộc sống.
Và chính nỗi sợ đó cuối cùng lại tạo ra khoảng cách giữa mẹ và con gái.
Sự thất vọng của Joy với mẹ cô chuyển thành sự tự hủy hoại bản thân trên mọi đa vũ trụ và biểu hiện là nhu cầu khẳng định sự thống trị của mình đối với Evelyn bằng những bản ngã thay đổi. Chính sự dịch chuyển bản thân này đã đẩy Joy gần như buông xuôi bản thân vào một thế giới của sự hận thù và hủy diệt bản thân.
Bộ phim cũng cho thấy mối quan hệ phức tạp của Evelyn với chính cha cô, Gong Gong. Cha của Evelyn đã từ chối cô khi còn nhỏ vì cô bỏ trốn cùng người chồng không được gia đình chấp thuận. Lớn lên, cô luôn nghĩ mình phải sống theo mong đợi của ông và thiếu tự do trong việc đưa ra những lựa chọn của riêng mình. Cuối cùng, cô quyết định rằng cách duy nhất để cô có thể sống cuộc sống tự do là chạy trốn khỏi niềm tin cứng nhắc của cha mẹ mình.
Ở ngoài kia, có rất nhiều người mẹ giống như Evelyn, vì thương yêu con và hy vọng con sẽ không lặp lại những sai lầm thời trẻ của họ mà quên rằng con cái cũng cần có quyền lựa chọn cách sống của mình. Và cũng có rất nhiều người con giống như Joy, ngày ngày tìm kiếm sự chấp nhận từ người mẹ của mình và muốn được kết nối với mẹ, nhưng chưa thể tìm được tiếng nói chung với bà.
Văn hóa châu Á thường sử dụng cách nuôi dạy con cái độc đoán và kỷ luật và hệ thống này tập trung vào việc gây ra nỗi sợ hãi khi dạy thói quen kỷ luật. Bộ phim này miêu tả rất hay về chu kỳ văn hóa giữa các thế hệ đang diễn ra trong chúng ta. Nó cho chúng ta thấy cuộc đấu tranh để giành quyền kiểm soát cuộc sống cũng như đưa ra những lựa chọn trong cuộc sống cho chính mình, những lựa chọn không bị những người chăm sóc chúng ta ngăn cản. Chúng ta tìm mọi cách để lấy lại quyền tự chủ đó và đưa ra những lựa chọn mà chúng ta không biết là mình có thể làm được không. Cũng giống như trường hợp của bộ phim, Joy chỉ muốn mẹ cô chấp nhận cô và bạn gái. Trong trường hợp lịch sử lặp lại, Evelyn cũng muốn cha cô chấp nhận chồng cô, Waymond.
Liệu ta sẽ chấp nhận buông xuôi vì sau cùng, tất cả đều vô nghĩa? Hay ta sẽ sống cho hiện tại, bởi vì bất kì thứ gì, bất kì ai cũng đều đáng giá dù chỉ là chấm nhỏ trên “sa mạc” ngân hà?
Phim cũng liên tục đề cập đến chủ đề sợ hãi; nỗi sợ sống ở những múi giờ khác nhau, những khả năng và sự hối tiếc, nỗi sợ là một người mẹ tồi. Nỗi sợ hãi về những điều không như ý muốn trong cuộc sống, mong muốn điều tốt nhất cho con gái đã khiến người mẹ đưa ra rất nhiều quyết định cho con gái mình. Nỗi sợ hãi này (thật không may) cuối cùng lại tạo ra khoảng cách giữa mối quan hệ giữa người mẹ và con gái.
Việc cha mẹ không thể nhìn xa hơn tầm kiểm soát của mình khiến con cái bỏ chạy và rơi xuống hố sâu; một vòng xoáy của sự nghi ngờ bản thân, cảm giác tội lỗi và nỗi buồn…
Everything Everywhere All at Once gợi mở hằng hà sa số những triết lý mà bất kì ai cũng có thể bắt gặp trong cuộc sống. Nhưng hiện tại hãy nói về cuộc sống của nữ chính Evelyn – một mẫu số điển hình của người châu Á theo đuổi giấc mơ Mỹ, để rồi bị thực tế đánh gục. Evelyn tự mình làm tất cả, để rồi tự tách mình khỏi những mối quan hệ với bố, người chồng Waymond và cô con gái Joy. Từ lâu ở Evelyn đã tồn tại cảm giác “bị đánh bại” hoàn toàn, cho đến khi chuỗi sự kiện đa vũ trụ và Jopu Tupaki xuất hiện.
Thực chất cuộc đời của Evelyn và Joy khá giống nhau. Cả hai đều lạc lõng, dần buông xuôi với thực tại và tiến đến chủ nghĩa hư vô – “chẳng còn gì quan trọng nữa”. Evelyn đã suýt nữa trở thành như con gái mình, hướng đến chiếc bánh vòng để thoát khỏi “bể khổ”. Thế nhưng ngay lúc Evelyn buông bỏ, một tia sáng đã xuất hiện. Tia sáng của sự tử tế.
Thực chất chiến binh thực thụ của phim không chỉ có Evelyn, mà còn có Waymond. Một người chồng yếu ớt, loay hoay nhưng mang trong mình chiến lược không ai nghĩ tới: be kind (hãy tử tế). Thay vì dùng một “hố đen” để hút đi mọi buồn phiền trần thế như Joy, Waymond đã truyền cho Evelyn tình yêu và sự vị tha, rằng hi vọng vẫn luôn tồn tại. Ở mọi vũ trụ, dù cho Evelyn có trở thành kiểu người thế nào thì Waymond vẫn mang trong mình tình yêu, tinh thần tích cực và không bỏ cuộc. Nhờ vậy, Evelyn mới có thể thoát khỏi chủ nghĩa hư vô, dùng sự tử tế để “chữa lành” tất cả mọi người, bao gồm cả Joy.
Khoảnh khắc Evelyn dán con mắt nhựa mà Waymond hay dùng lên trán đã chứng tỏ cô đã đạt đến cảnh giới “giác ngộ”, nhận ra mục đích thật sự của việc sống và tồn tại trong sự vô tận của vũ trụ.
Một bộ phim “đao to búa lớn”, tầm vóc vũ trụ như Everything Everywhere All at Once sau cùng mang lại duy nhất 1 thông điệp đơn giản dành cho mọi khán giả: sự tử tế sẽ giúp giải thoát bản thân và những người xung quanh khỏi lầm than và khổ ải. Evelyn đã để Joy tự quyết định số phận của mình thay vì ép buộc, sau đó Joy đã chủ động bước ra từ hố đen.
Evelyn sau cùng tiếp thu toàn bộ các phiên bản của mình ở đa vũ trụ, chấp nhận những bản thể điên rồ nhất và tôn trọng chúng, thay vì cảm thấy tất cả đều vô nghĩa như Jopu Tupaki. Sự tử tế đã giúp Evelyn có thể ngồi ngay ngắn tại quầy khai thuế, cùng gia đình đắp xây lại hạnh phúc, giúp bản thân cô tốt hơn xưa rất nhiều.
Nguồn tham khảo:
Mariana Delgado: ‘Everything Everywhere All At Once’: I am My Mother’s Daughter
TheThoughtCo: What ‘Everything, Everywhere, All At Once’ Tells Us About Mothers – How family systems influence us
Có thể bạn sẽ thích: Góc nhìn tâm lý qua phim ảnh

