Bạo lực học đường – Kẻ bắt nạt là ai và nạn nhân phải làm sao?
Ai cũng có thể là nạn nhân của bắt nạt – bạo lực học đường và bất kì ai trong chúng ta cũng có thể dễ dàng trở thành kẻ bắt nạt, bạn có tin không?
Có những sự kiện đã qua rất lâu trong quá khứ, mà ta nghĩ nó chỉ là một vết thương nhỏ hoặc một kỉ niệm đã ngủ quên trong hồi ức, nhưng thực ra vô thức những hệ quả vẫn còn đó, những cảm xúc khi đó của đứa trẻ bên trong cũng vẫn còn đồng hành với ta mãi về sau.
Định nghĩa về bắt nạt học đường – bạo lực học đường
Theo nghiên cứu đầu tiên của Dan Olweus, một nhà khoa học Na Uy, Bắt nạt bạo lực học đường không giống như những vụ ẩu đả ngẫu nhiên của hai người hoặc hai nhóm do khích bác hoặc do bất đồng mà bao gồm ba đặc điểm:
1/ Cố ý gây hại cho người bị bắt nạt;
2/ Hành vi được lặp đi lặp lại, vì thế thường làm nạn nhân sợ sệt và lo lắng thường xuyên;
3/ Luôn có sự chênh lệch về quyền lực. Kẻ bắt nạt thường to lớn hơn, đông hơn về số lượng, khéo léo nhanh nhẹn hơn, học giỏi hơn, đến từ gia đình giàu có thế lực hơn…
Có nhiều hình thức bắt nạt: 1/ Đánh đập hành hung. 2/ Lấy cắp hoặc hủy hoại tài sản. 3/ Mắng chửi, xỉ nhục, đe dọa, tống tiền, vu oan. 4/ Tẩy chay, cô lập. 5/ bắt nạt qua điện thoại, tin nhắn, email, hay bôi nhọ trên mạng xã hội (cyber bullying)
Không chỉ trong xã hội mà trường học cũng có những bạo lực hoặc thể chất hoặc tinh vi hơn, lúc nào chúng ta cũng có những nạn nhân, kẻ bị thao túng và kẻ thao túng, kẻ bị bắt nạt và kẻ bắt nạt.
Nhiều em là nạn nhân của nạn bạo lực học đường (school bullying) – một hiện tượng khá phổ biến tồn tại từ lâu và ngày càng được để tâm hơn, một câu chuyện từ xưa nhưng chưa bao giờ cũ .
NHỮNG KẺ BẮT NẠT NÀY LÀ AI?
Dựa trên những nghiên cứu thực hiện ở Na Uy, nhà tâm lý học Dan Olweus cho rằng thủ phạm của các vụ bạo lực học đường thường có nhu cầu rất lớn được thể hiện mình là người có khả năng thống trị, là người có quyền lực. Thường thì thủ phạm có ngoại hình khỏe hơn những đứa trẻ khác nhưng lại có kết quả học tập tương đối thấp. Những trẻ này thường xuất thân từ những gia đình ít có điều kiện vật chất hoặc các gia đình bất ổn, nhiều bạo lực và độc đoán. Ở đó, những người cha, người mẹ thiếu tình yêu thương và luôn sử dụng bạo lực đã tác động mạnh đến suy nghĩ và hành động của con trẻ.
Theo Dan Olweus, đôi khi bạo lực do một nhóm học sinh gây ra. Thường thì nhóm này do một hoặc một vài “thủ lĩnh” đứng đầu. Ngoài những thủ lĩnh này, các học sinh khác thường bị lôi kéo, chỉ hành động theo tâm lý đám đông.
Tư Duy Cố Định xuất hiện rất nhiều ở những kẻ hay hà hiếp: Có những người ở một đẳng cấp cao hơn những người khác. Và những kẻ này là những người phán xét. Eric Harris, một trong những tay súng trong vụ ở Columbine (2009), là mục tiêu lý tưởng của chúng. Cậu bé có dị tật ở ngực, thấp, là một người đam mê máy tính, và là một người đến từ thành phố khác không phải Colorado. Và chúng đã ‘phán xét’ cậu bé không thương tiếc.
Bắt nạt cũng có thể đến với bất cứ ai, vì trong một hoàn cảnh thích hợp nào đó dù là con trai hay con gái, ai cũng có thể trở thành kẻ bắt nạt. Bắt nạt là một hành vi học được (learned behavior) bằng sự im lặng “ngầm thừa nhận” hoặc tâm lý đám đông, hùa theo số đông, tẩy chay một người vì ganh tỵ (ngoan hơn, đẹp hơn…), bôi nhọ hoặc chọc tức một trẻ khác chỉ vì người này khác biệt … Chính sự chứng kiến và không quan tâm góp phần củng cố thêm hành vi của kẻ bắt nạt và sự cam chịu của người bị bắt nạt. Rất ít trẻ dám đứng ra bênh vực hay bảo vệ người bạn bị bắt nạt, vì chúng cũng bối rối không biết làm thế nào, cũng như sự thiếu quan tâm dửng dưng của người lớn trước vấn đề này.
NẠN NHÂN VÀ SỰ TRẢ THÙ
Tại sao lại là bạn?
Nạn nhân của bạo lực học đường là ai?
Nạn nhân của bạo lực học đường thường là một học sinh khuyết tật hoặc có sự khác biệt về hình thể (sắc tộc, màu da, cân nặng) hoặc những khác biệt về xã hội (giàu có, nghèo khó, cha mẹ làm một nghề nghiệp nào đó đặc biệt). Các em học sinh có xu hướng sống khép mình, ít bạn bè càng dễ trở thành nạn nhân của nạn bạo lực học đường. Theo một nghiên cứu của Adrienne Katz và các đồng nghiệp được thực hiện ở Anh( 2001), có đến 25% học sinh xuất thân từ các dân tộc thiểu số là nạn nhân của nạn bạo lực học đường, so với mức trung bình là 12% – 13%. Đại đa số những trẻ bị bắt nạt ở vị thế yếu hơn như yếu đuối về thể chất, rụt rè nhút nhát, không có kỹ năng kết bạn nên ít bạn bè, thường tách biệt, luôn cảm thấy thiếu sự hỗ trợ chung quanh nên dễ sợ hãi, và thiếu tự tin vào khả năng và sức mạnh của chính mình.
Lý do của những kẻ hay bắt nạt có thể là vì tính cách rụt rè của các nạn nhân, có thể vì diện mạo của họ, lý lịch của họ, hay sự thông minh của họ….. nhìn chung là họ khác biệt (đôi khi là vì họ không đủ thông minh, đôi khi lại là vì họ thông minh quá).
Điều tệ hơn là, trường học không làm gì để thay đổi tình trạng này. Đây là bởi vì phần lớn các trường hợp, sự việc diễn ra khi không có mặt của thầy cô giáo, hoặc bởi được gây ra bởi những học sinh ‘con cưng’ của trường, ví dụ như ngôi sao thể thao, học trò ngoan……. Trong trường hợp này, không phải là thủ phạm, mà chính nạn nhân mới là người bị cho là đứa trẻ có vấn đề hay biệt dị. Hơn hết, có những trường hợp, kẻ bắt nạt lại còn là kẻ có quyền lực, quyền thế, quan hệ và tiền bạc mà chúng ta hoặc sợ hãi hoặc cảm thấy bắt buộc mình phải khuất phục!
Sự cam chịu hay phản kháng ?
Theo số liệu của tòa khám nghiệm y lý bang Victoria (Mỹ) năm 2007, có tới 40% nạn nhân các vụ tự tử từng là đối tượng của nạn bạo lực học đường. Đối với một số em, những di chứng của một thời thơ ấu bị bắt nạt còn kéo dài cho tới khi trưởng thành. Những tổn thương gây ra khiến nạn nhân cảm thấy bị cô lập, khác biệt, cô đơn, lạc lõng, giảm giá trị bản thân, tự trách,…. Tại sao lại là mình mà không phải là người khác?
Thậm chí, do nỗi ám ảnh của nạn bạo lực học đường, một số nạn nhân sau này đã trở thành thủ phạm của chính các hành động bạo lực tại trường học. Theo một nghiên cứu của tiến sĩ Catherine Blaya thuộc Đại học Bordeaux 2 (Pháp), khoảng 20% – 46% nạn nhân của các vụ bạo lực học đường đã tái diễn chính những hành động bạo lực mà các em từng phải chịu đựng nhằm vào các nạn nhân khác.
Khi nạn nhân sẽ trở thành kẻ bắt nạt (bully-victim), những trẻ này chiếm khoảng 5% những trẻ bị bắt nạt. Những trẻ này thường cộc tính, lầm lì, cau có, và khi bị bắt nạt hay tìm cách đánh trả. Những trẻ này dễ làm bạn bè hoặc thầy cô xa lánh, vì vậy khi chúng thường bị bắt nạt bởi cả lớp hay cả một nhóm khá đông. Nếu thấy cô không cân nhắc đúng, trẻ có thể bị phạt oan vì bị xem như kẻ đã gây ra những vụ lộn xộn chứ không phải là nạn nhân của sự bắt nạt. Trẻ này cũng thường tìm cách bắt nạt lại những trẻ yếu đuối hơn.
Nạn nhân và tâm lý trả thù
Kế hoạch mà những học sinh này vẽ ra có mục đích giáo dục lại những kẻ hay bắt nạt: “Cháu sẽ nói chuyện với họ. Cháu sẽ hỏi họ vài câu hỏi (Tại sao họ lại nói những lời như vậy và tại sao họ lại chỉ làm vậy với mỗi cháu). Hay “Cháu sẽ đối diện với người ấy và nói chuyện về vấn đề họ đang gặp phải; cháu sẽ cố chỉ ra cho họ thấy rằng bắt nạt không làm cho họ trở nên hài hước hơn” Các học sinh có Tư Duy Phát Triển cũng đồng ý rằng: “Cháu sẽ muốn từ từ có thể tha thứ cho họ” và “Mục tiêu số một của cháu là giúp các bạn ấy trở thành người tốt hơn. ”
Việc các học sinh này có thành công trong việc cải hóa hay giáo dục được những kẻ hay bắt nạt cứng đầu kia hay không là hên xui. Nhưng những việc đó chắc chắn là những bước đầu tiên mang tính xây dựng tốt hơn là việc cán xe lên chúng.
Trách nhiệm của trường học, gia đình và xã hội?
Thứ nhất, học sinh là những trẻ em – chưa đủ tuổi thành niên, vẫn còn cần giám hộ và trợ giúp của thầy cô, phụ huynh và thậm chí nhà tâm lý học đường, vì khả năng các em tự hiểu thấu vấn đề và tìm ra cách giải quyết – một mình – là điều vô tâm nhất trong giáo dục. Đến người lớn còn chẳng bình tĩnh mà làm được, tại sao lại vứt bỏ học sinh tự bơi như vậy?Nếu những phản ứng bộc phát có phần thái quá, các em thường bị cho là có vấn đề, chịu đựng những ánh mắt đề phòng vì sự khác biệt, và càng dễ trở thành kẻ chuyên đi bắt nạt những trẻ khác. Ngược lại khi có những cơn bùng nổ cảm xúc, nếu có khuynh hướng che giấu và đè nén nỗi đau khổ bị bắt nạt của mình, thì sẽ lại dẫn đến những cơn bùng phát dữ dội hơn. Đây là những em có thể sẽ mang vũ khi vô trường và gây nên những vụ thảm sát mà ta thường thấy trên báo đài ngày nay.
Vì vậy để trẻ tự đối mặt một mình với bạo lực học đường là sự vô tâm đáng sợ!
Thực tế cuộc sống cũng đem lại cho chúng ta một cái nhìn bi quan khi chứng kiến người lớn bắt nạt nhau và người yếu thế hơn luôn bị bắt nạt mà không làm được gì khác. Và phim ảnh cũng cho thấy chỉ có cách giải quyết theo kiểu “tự mình hành động chứ không thể đợi chờ luật pháp” là nhanh chóng và hiệu quả nhất như những bộ phim gần đây rất nổi Em của thời niên thiếu, Bi thương ngược dòng sông, Angry Mom, 13 reasons Why ….. Vậy thì những đứa trẻ, còn chưa đủ năng lực tự bảo vệ mình như một người trưởng thành, với một lăng kính trải nghiệm chỉ có vậy, chỉ có trường học và gia đình thì có thể làm được gì?
Thầy cô hay quản lý nhà trường cũng thường xem những hành vi bắt nạt của học sinh giỏi hay học sinh thể thao trong sinh hoạt phong trào như là “đùa nghịch của trẻ con” nên dễ dàng bỏ qua những hành vi này hoặc cho rằng hành vi diễn ra ngoài khuôn viên trường, không lộ thiên ngay trước mắt thầy cô thì thầy cô có “quyền” làm ngơ? Điều này càng củng cố thêm ý nghĩ cam chịu của trẻ bị bắt nạt vì không được lắng nghe, không được trợ giúp, không được tin tưởng và không được yêu thương.
Chúng ta phải làm gì?
Theo Ths Võ Thị Hoàng Yến, giải quyết hậu quả của những vụ bắt nạt là rất khó, thay vào đó nên tập trung vào phòng ngừa bạo lực học đường. Ngăn ngừa vẫn là giải pháp tối ưu nhất, vì giống như những vấn đề xã hội khác, bắt nạt mở ra cách nhìn về các mối quan hệ xã hội của tất cả những bên liên quan: mối quan hệ của trẻ đi bắt nạt và trẻ bị bắt nạt, mối quan hệ của trẻ với gia đình chúng, mối quan hệ của trẻ với bạn cùng lớp hay cùng trường, của thầy cô với học trò, của thầy cô với đồng nghiệp, và của quản lý nhà trường với thầy cô, phụ huynh và học sinh.
Trường học thân thiện là một cách ngăn ngừa hữu hiệu, nhưng trường học chỉ thật sự thân thiện khi những vụ bắt nạt không còn diễn ra hoặc được hạn chế đến mức tối đa. Muốn được như thế chúng ta cần đến hành động của toàn xã hội
– Cần có luật chống bắt nạt ở trường học (School anti-bullying law). Một chương trình tuyên truyền và hướng dẫn việc thi hành luật cũng hết sức cần thiết vì luật sẽ không khả thi nếu không ai biết đến cũng như hiểu rõ luật.
– Mỗi trường học cũng phải có chính sách riêng của mình đối với bắt nạt, trong đó nêu rõ những hành vi nào (của cả học sinh, thầy cô, và quản lý nhà trường) sẽ bị xem là bắt nạt và các hình thức kỷ luật cụ thể cho việc vi phạm
– Cần có chương trình tập huấn hoặc sách hướng dẫn cha mẹ nhận ra những dấu hiệu con mình bị bắt nạt hoặc đi bắt nạt người khác, hậu quả của vấn đề và cách giải quyết.
– Cần có chương trình tập huấn hoặc sách hướng dẫn cho thầy cô và các nhân viên trường học nhận ra các dấu hiệu có thể dẫn đến sự bắt nạt hoặc dấu hiệu đã diễn ra bắt nạt, hậu quả của nó và cách giải quyết.
– Tập huấn cho trẻ về giá trị sống và các kỹ năng sống, giúp trẻ hiểu được tác hại của bắt nạt cũng như biết được những cách đúng đắn để thể hiện giá trị của mình. Đồng thời trẻ cũng học được kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ, cách nhận ra những dấu hiệu có thể dẫn đến bắt nạt người khác hoặc bị bắt nạt và cách xử lý chúng…
– Các chương trình đồng hành (mentoring program) cũng đang được các nước thực hiện. Chương trình này bắt cặp các em với bạn đồng trang lứa, với anh chị lớp trên, với những những người lớn thành đạt… sẵn lòng tham gia chương trình. Đây là một chương trình mà Đoàn hoặc Hội Liên hiệp thanh niên có thể thực hiện.
– Và đặc biệt, mỗi trường học cần có ít nhất một nhân viên xã hội học đường, người sẽ giúp kết nối các bên liên quan lại với nhau.
Hàng năm, có rất nhiều những chính sách, đề án, dự thảo….. được đề ra và triển khai để giải quyết vấn đề, nhưng vẫn là chủ trương, chính sách mà thực tế áp dụng vẫn còn cách xa.
Góc độ cá nhân: thay đổi tư duy như thế nào?
Các đứa trẻ là nạn nhân, nếu chỉ có một mình, thưởng không thể ngăn chặn nạn bạo hành học đường, nhất là khi những kẻ bắt nạt hay có nhiều người đứng sau ủng hộ. Nhưng trường học lại có thể làm được điều đó – bằng cách thay đổi tư duy trong trường học. Đây là ý kiến của giáo sư tâm lý Carols Dweck trong cuốn Mindset: The New Psychology of Success. Tác giả phân chia tâm trí (hay tư duy – mindset) của con người thành hai nhóm: fixed mindset và growth mindset (tư duy cố định và tư duy phát triển) và chính cách tư duy này sẽ ảnh hưởng tới quan niệm, hành vi của cá nhân ấy. Và bằng chính việc thay đổi mỗi cá nhân – thay đổi tư duy, câu chuyện có thể trở nên khác biệt.
Văn hóa trường học thường đề cao, hay thậm chí chấp nhận, lối Tư Duy Cố Định. Họ chấp nhận rằng một số đứa trẻ giỏi hơn những đứa khác và cảm thấy có quyền được bắt nạt chúng. Những văn hóa ấy cũng cho rằng một số đứa trẻ vốn dĩ đã biệt lập, và họ không thể làm gì để giúp những đứa trẻ như vậy. Nhưng một số trường giảm thiểu đáng kể vấn nạn này bằng cách chống lại môi trường phán xét và tạo ra môi trường của sự hợp tác và phát triển cá nhân. Stan Davis, một nhà trị liệu, cố vấn trường học, và chuyên viên tư vấn, đã phát triển một chương trình chống lại nạn bạo hành học đường rất hiệu quả. Lấy nền tảng từ những nghiên cứu của Dan Olweus, một nhà nghiên cứu từ Na Uy, chương trình của Davis giúp những đứa trẻ hay bắt nạt thay đổi, hỗ trợ các nạn nhân, và khích lệ những người ngoài cuộc tới giúp đỡ các nạn nhân. Chỉ trong vài năm, hiếp đáp về mặt vật lý trong trường của ông đã giảm còn 7% và trêu chọc giảm còn 47%.
Vậy chương trình thần kì của Davis diễn ra như thế nào?
Darla, một học sinh lớp 3, bị thừa cân, vụng về, và là một đứa trẻ dễ khóc. Cô bé dễ bị bắt nạt tới nỗi một nửa lớp hà hiếp cô, đánh cô và gán cho cô những cái tên tục tĩu hàng ngày – và chúng còn ủng hộ lẫn nhau. Vài năm sau, nhờ chương trình của Davis, vấn nạn này đã chấm dứt. Darla đã học được những kỹ năng giao tiếp tốt hơn và còn có cả bạn. Sau đó Darlavào học cấp 2, và một năm sau, quay lại và kể lại những gì đã xảy ra. Các bạn từ trường cấp một của cô đã hiểu cô hơn. Họ giúp cô kết thêm bạn và bảo vệ cô khỏi những người muốn hiếp đáp cô.
Davis còn thay đổi cả những kẻ hay bắt nạt nữa. Thực tế, những đứa trẻ đã giúp đỡ Darla ở trường cấp 2 cũng chính là những đứa đã từng bắt nạt cô trước đây.
David đã làm như sau. Đầu tiên, khi kiên trì áp dụng những kỉ luật trong trường, ông không đưa ra những lời nhận xét vào nhân cách hay phẩm tính của những học sinh ấy. Thay vào đó, ông làm chúng cảm thấy được yêu mến hơn và được chào đón hơn khi ở trường. Sau đó ông khen chúng mỗi khi chúng có một tiến bộ nào đó. Nhưng ông vẫn không khen chính bản thân chúng; ông khen những nỗ lực chúng đã bỏ ra. “Thầy thấy là con đã không dính vào mấy vụ đánh nhau nữa. Điều đó nói lên rằng con đang thực sự cố gắng để thân thiện hơn với các bạn.” Bạn có thể thấy Davis đã dẫn dắt những học sinh này thẳng tới Tư Duy Phát Triển. Ông đang giúp chúng nhìn những hành động cũng mình như những nỗ lực để tiến bộ. Ngay cả khi trước đây chúng không cố tình thay đổi, giờ đây chúng có thể cố gắng chủ động làm điều đó. Stan Davis từng tích hợp những nghiên cứu về lời khen, sự chỉ trích, và tư duy vào chương trình của ông, và nó đã gặt hái được những thành công nhất định.
Gửi Jay,Mẹ của Andy nói với cô rằng con trai cô ấy đã có một năm không vui vẻ gì. Bị gọi bằng những cái tên xấu xí và bị tẩy chay đã làm con cô ấy rất buồn và cảm thấy cô độc. Cô rất quan tâm tới vấn đề này. Kinh nghiệm làm lớp trưởng của em ở lớp làm cô nghĩ em có thể cho cô lời khuyên. Cô rất quý khả năng đồng cảm với những ai phải chịu đựng những điều như vậy ở em. Hãy gửi cô những gợi ý về cách chúng ta có thể giúp Andy nhé.Thân mến,Cô giáo của em.

