Review phim,  Viết

Em Của Thời Niên Thiếu (Better Days) – Bạo lực học đường và kẻ bị chọn

“Ai có thể giúp tôi?
Kẻ quay clip của tôi sao?
Kẻ đứng xem náo nhiệt sao?
Hay là những kẻ hỏi tại sao chỉ có mày bị chọn?”

Có thể ta sẽ thấy mình cũng chỉ là cô học sinh vô hình trong lớp học, không cổ xúy nhưng cũng không đứng ra đấu tranh, cứ bình lặng như vậy mà có thể trôi qua hết 18 năm thanh xuân. Nhưng nếu một ngày, vô tình ta lại là “người bị chọn”, là “kẻ bị gọi tên” – nạn nhân của tập thể, người chịu đựng sự bắt nạt học đường thì sao?

Dù ta có cố gắng chống lại, phản kháng, hay nhẫn nhịn chịu đựng quỳ gối xin hàng,…. thì “chúng” vẫn chẳng buông tha ta.

Vậy thì ta phải làm sao?

Bạo lực học đường và vòng lặp tiếp diễn

Em Của Thời Niên Thiếu xoay quanh cuộc sống của nhân vật Trần Niệm (Châu Đông Vũ), một cô gái đang chuẩn bị thi vào đại học bỗng bị vướng vào vòng quây của sự bắt nạt bởi những cô bạn học cùng lớp.

Mọi thứ bắt đầu sau vụ tự tử của một học sinh cùng lớp, Trần Niệm là người duy nhất lấy áo khoác che cho nạn nhân xấu số nên đã trở thành nạn nhân tiếp theo của nhóm bắt nạt. Gia đình của Trần Niệm chỉ có cô và mẹ, cuộc sống xoay quanh những chủ nợ ở nhà và bạo lực ở trường. Đơn độc một mình, cô đã gặp người duy nhất hết lòng bảo vệ mình, Tiểu Bắc (Dịch Dương Thiên Tỉ).

Tiểu Bắc là một chàng trai sống trong mặt tối của xã hội, đứa trẻ vô học, được xem là một tên lưu manh đầu đường xó chợ dưới đáy xã hội mà không ai quan tâm, không được dạy dỗ cũng chẳng tài giỏi, tương lai cậu định sẵn mãi ở bên dưới của tầng lớp xã hội.

Bạo lực học đường và bắt nạt là chủ đề chính xuyên suốt của bộ phim. Ở đó, người xem không chỉ được thấy quá trình diễn ra của nó, mà còn được chứng kiến cả hậu quả và nguyên nhân.

Có nhiều phân cảnh Trần Diễm bị đánh trong bộ phim khiến cho người xem đau lòng, không chỉ vì không có ai ở đó để bảo vệ cô mà còn là sự tiếp diễn, vòng lặp của bạo lực không hề dừng lại, không có giải pháp cho vấn đề. Phân cảnh cuối của bộ phim cho người xem thấy rằng sự bắt nạt sẽ không bao giờ kết thúc, mà thực ra nó chính là một vòng tròn cứ lặp đi lặp lại, từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Khi một cảnh sát điều tra cái chết của cô nữ sinh đến nhà phụ huynh của một kẻ bắt nạt để nói chuyện, người cảnh sát, cũng như khán giả, có thể thấy rằng nguyên nhân dẫn đến những hành vi sai trái, lệch lạc của những cô cậu học sinh còn trẻ tuổi một phần cũng xuất phát từ cách ăn nói, hành xử của cha mẹ chúng, là sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, xã hội hay là sự bỏ mặc không quan tâm chứ không chỉ ở riêng chúng – những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Chúng ta sinh sống dưới đáy xã hội, nhưng có người vẫn luôn ngước nhìn lên bầu trời đầy sao.”

Có lẽ bộ phim cũng là lời cảnh tỉnh trước một thực trạng xã hội nhưng trước hết, có lẽ nó là lời an ủi động viên đồng cảm cho những nạn nhân, những người yếu thế và những lứa tuổi thanh thiếu niên chưa trưởng thành kia.

Làm sao để bạo lực kết thúc và tuổi trẻ lạc lối hoang mang được soi sáng?

“Thi đại học xong chúng ta sẽ trở thành người lớn. Nhưng, chưa có tiết học nào dạy chúng ta làm thế nào để trở thành người lớn.”

Đôi lúc, bộ phim có thể khiến người xem liên tưởng tới cảm giác hoang mang và lạc lối của “All About Lily Chou Chou” bộ phim Nhật Bản từ những năm 2001, và chủ đề bạo lực học đường như ở  Angry Mom – bộ phim Hàn Quốc Khi Mẹ Ra Tay (2015), School 2015 – Trường Học (2015), 13 Reasons Why – 13 lý do tại sao (2017) ……

Một chủ đề không bao giờ là cũ nhưng cũng chưa tìm được giải pháp.

Đôi khi là người mẹ đi tìm lại công lý cho con, đấu tranh chống lại tội ác, đôi khi lại là chính nạn nhân vùng lên đấu tranh, đôi khi lại là sự trốn chạy, đôi khi lại là tình yêu soi sáng dẫn đường khỏi tăm tối, đôi khi lại là kết thúc buồn bế tắc……

Nhưng thực sự, nếu không phải chính “nạn nhân” tìm được tiếng nói, vượt qua được bóng đen ấy thì cũng sẽ không ai khác có thể làm thay được. Nhưng liệu một mình một nạn nhân thì có thể vượt qua được?

Có thể ta sẽ thấy mình như Trần Niệm, vốn là cô học sinh vô hình trong lớp học, không cổ xúy nhưng cũng không đứng ra đấu tranh, cứ bình lặng như vậy mà có thể trôi qua hết 18 năm thanh xuân. Nhưng nếu một ngày, vô tình ta lại là “người bị chọn”, là “kẻ bị gọi tên” thì sao? Dù ta có cố gắng chống lại, phản kháng, hay nhẫn nhịn chịu đựng quỳ gối xin hàng,…. thì “chúng” vẫn chẳng buông tha ta.

Vậy thì ta phải làm sao?

Liệu một Tiểu Bắc, một anh cảnh sát, một người mẹ, một người bạn, một giáo viên, một hệ thống pháp lý và luật pháp có thể cứu giúp ta non nớt của khi đó không?

Suy cho cùng chính ta vẫn phải tự bảo vệ bản thân mình.  Mỗi người đều có một cuộc đời, nhưng không phải ai cũng có quyền chọn lựa số phận. Có người nói, số phận nằm trong tay bạn nên bạn tự quyết định số phận của mình. Dịch Dao trong bi thương ngược dòng sông sau những những ngày tháng khổ sở, rồi cô cũng vùng lên vì muốn tự quyết định cuộc đời mình, muốn thay đổi số phận.

Còn thực tế cuộc sống, cái vùng lên ấy có thể không đơn giản như phim ảnh mà cần cả một quá trình với những sự hỗ trợ giúp đỡ.

Đôi lúc, ta gắn cho kẻ thù ấy diện mạo của kẻ khác mình, như cái cách mà Nguỵ Lai hết lần này tới lần khác tấn công Trần Niệm; đôi lúc, ta lại gắn cho kẻ thù ấy gương mặt của những người trưởng thành luôn bắt ta phải tuân theo luật lệ, như cái cách Tiểu Bắc luôn tỏ ra ngoan cố và bất cần.

Nhưng sự thực, “kẻ thù” đứng chắn giữa Trần Niệm, Tiểu Bắc hay bất kì thiếu niên nào ở cái tuổi nỗi loạn ấy với sự trưởng thành là gì? Tất nhiên, Em Của Thời Niên Thiếu cũng gián tiếp mang giải đáp cho khán giả, không phải bằng một bài học đạo đức đóng khung, mà chỉ bằng một nụ cười nhẹ nhõm trên khuôn mặt Trần Niệm và Tiểu Bắc khi họ gặp lại nhau. Nụ cười ta chưa bao giờ thấy xuất hiện trong suốt cả bộ phim rất dài.

Đó chính là đáp án. Trưởng thành không phải một bậc học mới được đánh dấu bằng kì thi đại học khó khăn. Trưởng thành cũng không phải một giai đoạn mới trong cuộc đời khi ta có thể phủi tay quay lưng lại với quá khứ. Trưởng thành lại càng không phải bằng mọi giá đạt được ước mơ của mình…

Trưởng thành, theo định nghĩa của Em Của Thời Niên Thiếu, là khi ta có thể bình tâm lựa chọn hành động đúng đắn, và đối diện với lương tâm mình bằng một nụ cười không hối tiếc. Tương lai và ước mơ có thể làm lại, nhưng sự trưởng thành sẽ không cho ai cơ hội được trì hoãn để hoàn thành bài thi tốt nghiệp làm người. Trần Niệm cuối cùng cũng hiểu ra, nhưng may mắn, là chưa quá muộn màng.

“Thanh xuân như cơn mưa rào”, lỗi ví von sến sẩm ấy vẫn chưa bao giờ cũ. Nhất là khi sau cơn mưa, cây lá lại đâm chồi xanh tươi hơn bao giờ hết. Tổng thể phim Em Của Thời Niên Thiếu chính là cơn mưa rào dữ dội ấy. Bộ phim đưa các nhân vật trải qua những tháng ngày của đau khổ và lạc lối, nhưng tuyệt nhiên không nhằm vùi dập, mà để kéo họ về phía một khởi đầu mới tươi sáng hơn. Như cách mà một trong những người thầy giáo đã nói giữa cơn mưa tầm tã, các em xem xem, trời đã sắp sáng lên rồi.

– Trích dẫn-

Tham khảo các bài viết khác của mình về sách và phim ảnh 

Blog cảm nhận phim ảnh của mình: meolangthangngaymua

Chủ đề về bạo lực học đường

Các chủ đề khác

Review phim Em Của Thời Niên Thiếu (Better Days) phép thử sự trưởng thành

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *